Marketing Mix là gì? Những thành phần quan trọng trong Marketing Mix các Junior cần phải nắm
Sau khi đã có những kiến thức về Marketing tổng thể, mình – Triangle Head sẽ cùng các bạn bước sang chương tiếp theo, tìm hiểu Marketing Mix là gì, một khái niệm rất quan trọng trong ngành Marketing mà các bạn Marketer, nhất là Junior Marketer cần tìm hiểu. Mình từng học về Marketing […]
Sau khi đã có những kiến thức về Marketing tổng thể, mình – Triangle Head sẽ cùng các bạn bước sang chương tiếp theo, tìm hiểu Marketing Mix là gì, một khái niệm rất quan trọng trong ngành Marketing mà các bạn Marketer, nhất là Junior Marketer cần tìm hiểu.
Mình từng học về Marketing Mix nhưng chỉ dừng lại ở 4P truyền thống, sau khi tìm hiểu thêm mình mới biết thêm những khái niệm về 7P, 4C, 4E, 4D,…Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn về định nghĩa, cũng như các mô hình Marketing Mix được áp dụng hiện nay.
1. Khái niệm marketing mix là gì?
Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Marketing mix là gì nhé. Doanh nghiệp sẽ sử dụng các công cụ marketing để đạt được mục tiêu tiếp thị đã đặt ra, đòi hỏi phải đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ một mức giá phù hợp, vào đúng chỗ và thời điểm, đây chính là khái niệm Marketing mix hay còn được gọi là Marketing hỗn hợp.
Thông thường các bạn sẽ nghe nhắc đến các mô hình được phân chia trong Marketing mix bao gồm 4 yếu tố sản phẩm hữu hình được gọi là 4Ps (Product, Price, Place & Promotion), 7 yếu tố sản phẩm vô hình được phát triển ( 3 yếu được thêm vào đó là Process, People và Physical Evidence) và thuyết 4Cs.
Xác định được các yếu tố sẽ giúp bạn có quyết định chiến lược và đạt được những lợi ích sau:
- Tăng cường ưu điểm, hạn chế khuyết điểm
- Thích nghi thị trường và trở thành yếu tố cạnh tranh
- Cải thiện lợi ích và sự hợp tác với các đối tác
Với ý nghĩa như trên, Marketing Mix sẽ đóng vai trò gì trong sự phát triển của một doanh nghiệp hoặc một chiến lược Marketing, chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần tiếp theo.
2. Vai trò của Marketing Mix hiện nay
Marketing mix hiện nay đóng một vai trò khá quan trọng và có tác động không chỉ với doanh nghiệp mà còn với người tiêu dùng và xã hội. Điển hình như:
Vai trò với doanh nghiệp
Marketing mix chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, giúp doanh nghiệp thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để thoả mãn. Bên cạnh còn cung cấp thông tin dữ liệu để doanh nghiệp thích ứng với thay đổi của thị trường, phân bổ các nguồn tài nguyên hợp lý để tối ưu hoạt động đáp ứng khách hàng, tối đa lợi nhuận.
Vai trò với người tiêu dùng
Marketing mix hỗ trợ việc nghiên cứu và khám phá mong muốn của khách hàng ở thời điểm hiện tại và tương lai. Doanh nghiệp dựa trên những thông tin nghiên cứu được từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp với lựa chọn người tiêu dùng. Thêm nữa, tiếp thị hỗn hợp giúp người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng hơn.
Vai trò với xã hội
Bên cạnh các yếu tố về kinh tế thì doanh nghiệp hiện nay cũng chú trọng các hoạt động truyền thông và bán hàng phản ánh chân thật về chất lượng thực tế, để người tiêu dùng có một cái nhìn đúng đắn về sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, các yếu tố phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường cũng được doanh nghiệp chú trọng để đưa vào các chiến dịch bán hàng và tiếp thị.
Marketing hỗn hợp còn đóng vai trò thúc đẩy các doanh nghiệp trao đổi hàng hoá với bạn bè quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp quảng bá hình ảnh đất nước đến với quốc tế.
Với vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội, Marketing hỗn hợp ngày càng được phát triển. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu những giai đoạn phát triển này của Marketing Mix nhé.
3. Các giai đoạn phát triển của Marketing Mix
Chúng ta đã hiểu được vai trò của chiến lược Marketing mix là gì vậy tiếp theo cần tìm hiểu sâu hơn xem Marketing mix gồm những gì và những giai đoạn phát triển của từng mô hình như thế nào? Từ những phần này, mình tin rằng bạn sẽ nắm rõ hơn cách vận dụng các hình thức trong Marketing Mix.
Marketing mix 4Ps truyền thống
Bạn có nhớ mình từng đề cập qua Marketing mix có mấy thành phần không? Với mô hình truyền thống sẽ gồm 4 thành tố, được gọi là Marketing mix 4P gồm: Product, Price, Place và Promotion. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu từng thành tố này nhé.
Product (sản phẩm)
Product hay là sản phẩm – là một thành tố trong mô hình 4Ps của Marketing mix. Sản phẩm có thể ở dạng hữu hình (điện thoại, xe hơi…) hoặc vô hình (dịch vụ spa, dịch vụ khách sạn, du lịch) được tạo ra để thoả mãn nhu cầu của một đối tượng khách hàng nhất định. Để đảm bảo được điều này đòi hỏi hoạt động nghiên cứu thị trường phải được thực hiện thường xuyên.
Sản phẩm được tạo ra cũng có vòng đời được thể hiện ở 3 giai đoạn sau:
- tăng trưởng
- trưởng thành
- giảm doanh số.
Các Marketer cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về vòng đời của sản phẩm trong thời gian phát triển, sau đó lên chiến lược để kích thích nhu cầu thị trường khi sản phẩm đến giai đoạn giảm doanh số điển hình như mở rộng sản phẩm, tạo các sản phẩm hỗ trợ.
Price (Giá bán)
Price – giá sản phẩm (giá bán) là thành tố trọng yếu có tác động đến quan điểm mua hàng của người tiêu dùng, đây là chi phí mà khách hàng đồng ý bỏ ra để sử dụng dịch vụ, sở hữu sản phẩm của doanh nghiệp. Chính vì đây là một yếu tố có tính quyết định, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để xác định khách hàng cảm thấy hài lòng với chi phí bỏ ra.
Việc định giá sản phẩm là một thách thức cho các Marketer trong việc thực hiện chiến lược, nếu định giá thấp các bạn cần phải xác định bán một số lượng lớn mới có lợi nhuận, nếu định giá quá cao thì lợi thế chắc chắn sẽ nghiêng về đối thủ cạnh tranh. Dù chiến lược định giá là như thế nào cũng phải đảm bảo giá bán hàng phải lớn hơn chi phí sản xuất. Một số yếu tố chính cần chú ý trong chiến lược là: điểm giá ban đầu, giá niêm yết, chiết khấu và thời kỳ thanh toán…
Place (kênh phân phối)
Thành tố Place – Kênh phân phối (hệ thống phân phối) cũng khá quan trọng của Marketing hỗn hợp. Khi xây dựng chiến dịch, các nhân viên Marketing cần phải cân nhắc đến các hệ thống cung cấp sản phẩm sao cho thuận tiện nhất cho khách hàng (mua, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm) bao gồm cả cửa hàng phân phối, các kênh bán hàng điện tử, kho bãi, vận chuyển….
Những câu hỏi mà các bạn cần phải chú ý trong việc lựa chọn kênh phân phối là:
- Khách hàng sẽ tìm đến sản phẩm ở đâu?
- Nơi khách hàng của bạn thường xuyên đến mua sắm?
- Nên tiếp cận những kênh phân phối nào?
- Cách tiếp cận những kênh phân phối mục tiêu?
- Sự khác biệt với các kênh phân phối của đối thủ?
Promotion (xúc tiến thương mại)
Các hoạt động hỗ trợ bán hàng gồm quảng cáo (truyền hình và báo chí, bán lẻ, PR (quan hệ công chúng), tiếp thị nhằm tăng nhận biết thương hiệu và hỗ trợ bán hàng được gọi chung là Promotion – xúc tiến thương mại. Promotion còn gián tiếp giúp tạo ra nhu cầu của khách hàng với sản phẩm bằng cách truyền tải chức năng, giá trị và sự tồn tải của sản phẩm đến với khách hàng
Marketing mix 7Ps
7Ps là mô hình Marketing mix được phát triển thêm vào mô hình 4Ps truyền thông. Những thành tố được thêm vào là: Process (quy trình), People (con người) và Physical Evidence (bằng chứng vật lý). Cùng tìm hiểu về 3 thành tố được thêm vào này.
Process (quy trình)
Process liên quan đến quy trình quản lý, phân phối sản phẩm, thanh toán, xuất nhập kho hàng….được doanh nghiệp xây dựng để có thể tối ưu hoá việc cung ứng sản phẩm cho khách hàng, tiết kiệm được ngân sách doanh nghiệp, giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng, giúp đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất với sản phẩm và dịch vụ.
Một ví dụ khá thành công trong việc xây dựng quy trình Marketing mix khá tốt chính là Tiki. Tiki đã đầu tư một khoản ngân sách khá lớn cho quy trình giao hàng, để khách hàng nhận được sản phẩm trong thời gian nhanh nhất.
People (con người)
Thành tố con người (people) trong Marketing mix đề cấp đến khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm và những người góp phần đem đến sản phẩm này trong doanh nghiệp.
Khách hàng chính là những người sử dụng và trải nghiệm sản phẩm, những đánh giá của họ trong việc sử dụng sản phẩm rất quan trọng với doanh nghiệp, họ sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm/dịch vụ sao cho phù hợp nhất với đối tượng khách hàng của mình.
Nhân viên trong doanh nghiệp chính là những người trực tiếp tạo ra và cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng, việc cân nhắc lựa chọn và đào tạo những người thực sự phù hợp với doanh nghiệp rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ bộ máy cung ứng sản phẩm, họ làm tốt thì khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt với sản phẩm.
Physical Evidence (bằng chứng hữu hình)
Thành tố này liên quan đến các yếu tố về cơ sở vật chất, không gian đón tiếp, cung cấp dịch vụ, nơi khách hàng sử dụng dịch vụ…. Thành tố này thể hiện sự hiện diện của một doanh nghiệp khi xuất hiện trên thị trường, tuy đây không phải là một thành tố quan trọng nhất nhưng là một trong những điểm cộng của doanh nghiệp trong những chiến lược Marketing mix.
Marketing mix 4Cs
Vào năm 1990, Robert F.Lauterborn, một giáo sư về bộ môn Truyền thông của trường Đại Học Báo Chí và Truyền Thông Đại Chúng ở Bắc California đã phát triển mô hình Marketing 4Cs, được sửa đổi từ nền tảng của mô hình 4Ps, bao gồm các thành phần: Cost (giá), Consumer Wants and Needs (nhu cầu và mong muốn của khách hàng), Communication (giao tiếp), Convenience (sự thuận tiện).
Cost (giá cả)
Giáo sư Robert đã phát triển khái niệm Price (trong 4Ps) rộng hơn thành khái niệm Cost (trong 4Cs) là chi phí khách hàng cần trả cho việc sử dụng, vận hành và bảo quản sản phẩm, vì ông cho rằng giá của sản không chỉ được xác định trong giai đoạn mua hàng, việc xác định lại sẽ giúp chi phí tương xứng với lợi ích mà người mua nhận được từ việc sử dụng sản phẩm.
Consumer Wants and Needs (mong muốn và nhu cầu của người tiêu dùng)
Trong sự cạnh tranh của thị trường, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ có lợi thế giành chiến thắng, tức là doanh nghiệp nên tập trung nghiên cứu thị hiếu và mong muốn của khách hàng mục tiêu và chỉ nên bán những sản phẩm đáp ứng được những mong muốn này.
Đôi khi, khái niệm này còn được hiểu là Customer Solutions – giải pháp cho khách hàng, nhấn mạnh việc các sản phẩm được đưa ra cần phải là một giải pháp thiết thực cho khách hàng chứ không chỉ là giải pháp kinh tế cho riêng doanh nghiệp.
Communication (giao tiếp)
Giáo sư Lauterborn cho rằng thành tố promotion (trong 4Ps) có phần mang tính cưỡng ép, do đó ông phát triển khái niệm communication (giao tiếp) nhấn mạnh tính tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp với khách hàng của mình. Doanh nghiệp khi trao đổi và lắng nghe nguyện vọng của khách hàng thì sẽ dễ dàng đem lại sản phẩm có thể đáp ứng được những mong muốn từ khách hàng, có được một chiến lược truyền thông chạn đến sự thấu hiểu và cảm nhận của khách hàng, như vậy mới là thành công.
Convenience (tiện lợi)
Khái niệm Convenience (thuận tiện) đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo ra sự thuận tiện trong việc phân phối các sản phẩm hay dịch vụ cho khách hàng. Mức độ thuận tiện và tiện lợi càng cao, giúp khách hàng càng dễ lựa chọn sản phẩm thì việc bán hàng càng đạt hiệu quả.
Ví dụ dễ thấy nhất cho sự thuận tiện chính là việc các ngân hàng lắp đặt hệ thống máy ATM. Nếu ngân hàng nào có sự bố trí nhiều máy ở nhiều nơi, một ít trục trặc thì sẽ dễ thu hút khách hàng đến với ngân hàng đó.
4. Một số ví dụ về Marketing Mix
Đã có rất nhiều thương hiệu lớn áp dụng các mô hình Marketing mixthành công và giúp tăng doanh số bán hàng, dưới đây là một số ví dụ về Marketing mix điển hình:
Starbucks – Không chỉ bán cà phê
Starbucks giúp thay đổi nhận định của khách hàng khi định nghĩa nơi đây không chỉ bán cà phê mà còn là nơi có thể thư giãn và nói chuyện cùng bạn bè.
- Place: Starbucks khá khôn ngoan và linh hoạt trong việc xây dựng hệ thống bán hàng như: các cửa hàng cà phê, liên kết với khách sạn, sân bay…., phát triển app mobile, phát triển của hàng trực, liên kết với các nhà bán lẻ.
- Product: sản phẩm của Starbucks luôn đa dạng và có sự đổi mới. Sản phẩm chính là cà phê, sau đó họ thu hút những khách không thích uống cà phê với các món nước hoặc món bánh khác nhau.
- Price: Starbucks cam kết đem đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng của họ với mức giá trung bình – cao.
- Promotion: chiến dịch truyền thông, khuyến mãi của Starbucks cũng rất mới mẻ và diễn ra thường xuyên giúp khách hàng luôn có được sự tương tác với thương hiệu và sản phẩm.
McDonald – Áp dụng toàn diện Marketing mix 4Ps
McDonald đã ứng dụng toàn diện mô hình 4Ps giúp thúc đẩy hiệu quả và doanh thu bán hàng của hãng này trong việc kinh doanh của mình.
- Product: McDonald lại đa dạng hoá menu của mình với gà rán, thức uống, đồ tráng miệng, nhãn hàng McCafe để phục vụ cà phê, giúp thương hiệu này tránh được rủi ro khi quá phụ thuộc vào một mặt hàng.
- Place: McDonald’s đa dạng hóa kênh phân phối của mình theo 4 nhóm chính: nhà hàng, Ki-ốt, Mobile App và các App đặt thức ăn. Nhà hàng McDonald là nguồn doanh thu lớn nhất của thương hiệu.
- Promotion: sự đa dạng trong các phương tiện truyền thông (TV, tờ rơi, phiếu giảm giá hay quà tặng) hay chương trình quà tặng cho Combo thiếu nhi….
- Price: cung cấp các Combo món ăn (Combo sẽ rẻ hơn các món ăn lẻ) ví dụ Happy Meal với burger, gà rán và nước ngọt, khách hàng sẽ bị thu hút hơn vì chi phí tiết kiệm hơn.
Mong rằng bài viết Marketing mix là gì? trên sẽ giúp các Junior đánh giá được tầm quan trọng cũng như hình thành được cơ sở để áp dụng các kiến thức Marketing mix vào công việc thực tiễn. Ngoài ra nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về kiến thức Marketing tham khảo ngay bài phễu marketing của Triangle Head mình nhé.