Mô hình SCAMPER là gì? Áp dụng SCAMPER trong việc phát triển ý tưởng sản phẩm mới
SCAMPER là một từ viết tắt được hình thành từ chính tên gọi của nó: Substitute, Combine, Adapt, Modify (Also magnify and minify), Put to another use , Eliminate, và Reverse. SCAMPER được xem là một mô hình tư duy đặt câu hỏi của sản phẩm hiện tại và giúp bạn khám phá những khả năng mới để khai thác và phát triển sản phẩm.
Sự phát triển không ngừng của Internet, tốc độ chớp nhoáng của Marketing, bạn cảm thấy ngày càng khó khăn với việc đưa ra các ý tưởng thú vị, mới lạ? Công việc của bạn đang cần điểm đột phá, sáng tạo hơn? Hãy bắt đầu với SCAMPER, mọi vấn đề sẽ trở nên dễ dàng.
Vậy SCAMPER là gì? Nó được ứng dụng như thế nào? Đừng lo lắng, mình là Triangle Head sẽ đồng hành cùng bạn tìm hiểu chi tiết về mô hình SCAMPER thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Khái niệm về mô hình SCAMPER là gì?
Định nghĩa mô hình SCAMPER
Mô hình SCAMPER được Robert F. Eberle, một nhà quản lý giáo dục xây dựng và phát triển vào đầu những năm 1970. Mô hình này dựa trên cơ sở sự khởi xướng của Alex Osborn. Vậy SCAMPER nghĩa là gì?
Hiểu một cách đơn giản, SCAMPER là một phương pháp tư duy sáng tạo giúp bạn giải đáp hàng loạt các vấn đề dựa trên việc áp dụng kỹ thuật động não, với mục tiêu tổng hợp càng nhiều ý tưởng tiềm năng thì càng tốt.
Cụ thể hơn, trong lĩnh vực kinh doanh, nó được biết đến là một công cụ tư duy có hiệu quả nhằm khởi tạo ra các ý tưởng, sáng kiến mới. Từ đây, các doanh nghiệp có thể cải thiện hoặc đảm bảo khâu dự định phát triển tốt dịch vụ, sản phẩm của mình. Cũng nhờ đó mà góp phần đạt được các mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Việc áp dụng mô hình SCAMPER sẽ tốt như thế nào?
Thông qua việc cung cấp 7 cách tiếp cận tư duy khác nhau, phương pháp SCAMPER sẽ giúp bạn khai phá ra các ý tưởng và giải pháp sáng tạo, mang lại sự đổi mới cho các sản phẩm/dịch vụ hay vấn đề mà bạn gặp phải.
Sử dụng công cụ SCAMPER, bạn không chỉ tìm ra các ý tưởng độc đáo cho sản phẩm mới hay cải thiện sản phẩm đã có trên thị trường mà còn kích hoạt được lối tư duy sáng tạo, khởi điểm cho sự phát triển cá nhân về sau.
SCAMPER sẽ hướng bạn nhìn nhận một sự vật, sự việc qua nhiều lăng kính khác nhau. Cụ thể là qua 7 lăng kính, 7 yếu tố tạo nên một công cụ SCAMPER hoàn chỉnh:
- Substitute: Thay thế
- Combine: Kết hợp
- Adapt: Thích nghi
- Modify: Điều chỉnh
- Put to other uses: Sử dụng cho mục đích khác
- Eliminate: Loại bỏ
- Rearrange, Reverse: Thay đổi trật tự/Lật ngược vấn đề
2. Mô hình SCAMPER áp dụng như thế nào?
Để giải quyết một vấn đề tối ưu và hiệu quả, bạn nên tổng hợp các ý tưởng xuất hiện trong mỗi bước triển khai. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp nhất. Sản phẩm SCAMPER, những ý tưởng đột phá được hình thành dựa trên cơ sở thúc đẩy tầm nhìn phát triển ở nhiều chiều hướng khác nhau.
Sau đây, mình sẽ chia sẻ đến các bạn cách ứng dụng SCAMPER với 7 chiều hướng sao cho hiệu quả:
S – Substitute (Thay thế)
Bằng phương pháp thay thế, bạn sẽ tìm thấy khá nhiều giải pháp hữu ích, biến mọi thứ dần trở nên có thể. Cụ thể, bạn cần tập trung xem xét việc thay thế sản phẩm, dịch vụ này bằng một sản phẩm, dịch vụ khác hay thậm chí thay thế cả quá trình, con người, địa điểm lẫn cảm xúc.
Những câu hỏi dưới đây sẽ là sự gợi ý tuyệt vời dành cho bạn:
- Có thể thay thế quy trình đơn giản hơn không?
- Ai hoặc cái gì có thể được thay thế?
- Có thể thay thế thời gian hoặc địa điểm?
- Có thể thay thế bằng thiết bị hiện đại hơn không?
- Có thể thay đổi cảm xúc hoặc thái độ không?
- …
C – Combine (Kết hợp)
Nếu bạn muốn đổi mới thị trường thì một cách không thể bỏ qua chính là sử dụng phương pháp kết hợp. Việc kết hợp có thể xuất phát từ hai sản phẩm khác nhau hoặc kết hợp các tính năng của chúng để tạo ra một sản phẩm hay công nghệ mới.
Trong một số trường hợp, điều này dẫn đến sự bùng nổ sức mạnh thị trường, hướng đến khách hàng tiềm năng. Ví dụ, việc hợp nhất công nghệ điện thoại với máy ảnh kỹ thuật số đã tạo ra một sản phẩm mang tính cách mạng mới trong ngành viễn thông.
Một số câu hỏi hướng dẫn để bạn tìm được hướng đi tốt nhất:
- Có thể hợp nhất hai bước của một quy trình không?
- Có thể kết hợp những sản phẩm, tính năng, thành phần nào?
- Có thể kết hợp những yếu tố nào giúp giảm thiểu chi phí sản xuất?
- Có thể kết hợp công nghệ A và B không?
- Có thể kết hợp nguồn lực công ty với một đối tác khác không?
- …
A – Adapt (Thích nghi)
Thích nghi là một trong những kỹ thuật hiệu quả để giải quyết vấn đề thông qua việc cải tiến những yếu tố đang có. Điều đó có nghĩa mục tiêu chính không phải lấy ý tưởng mà là thực thi ý tưởng đó để sản phẩm của bạn phù hợp với yêu cầu khách hàng.
Một số câu hỏi đặt ra khi bạn giải quyết về yếu tố thích nghi:
- Có thể thay đổi đặc tính của một thành phần không?
- Có thể mượn những ý tưởng nào từ sản phẩm khác?
- Đã có những giải pháp nào trong quá khứ?
- Cần thay đổi những gì để đạt kết quả tốt hơn?
- Bằng cách nào có thể cải thiện quy trình hiện có?
- …
M – Modify (Điều chỉnh)
Có một cách khá đơn giản mà hiệu quả để bạn áp dụng khi cần lên ý tưởng mới đó là xác định đối tượng và bắt đầu điều chỉnh chúng.
Hãy trả lời các câu hỏi sau trước khi điều chỉnh bất kỳ điều gì:
- Điều chỉnh tính năng có mang lại sự khác biệt đáng kể cho sản phẩm không?
- Độ nhận diện cần được điều chỉnh như thế nào để sản phẩm bùng nổ trên thị trường, ví dụ như về hình dạng, tên gọi, màu sắc,…?
- Các chức năng nào cần được bổ sung?
- Điều gì xảy ra nếu kích thước sản phẩm gấp đôi kích thước hiện tại?
- Việc điều chỉnh quy trình có mang lại kết quả tốt hơn không?
Đôi khi thay đổi những điều này có thể tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường về sản phẩm của bạn đấy.
P – Put to other uses (Sử dụng cho mục đích khác)
Một đối tượng không chỉ có duy nhất một mục đích, ý nghĩa. Bản chất của chúng không thay đổi nhưng nếu đặt trong một hoàn cảnh, môi trường khác thì lại mang ý nghĩa khác.
Sử dụng cho mục đích khác sẽ là một cách tuyệt vời để mang lại sự đổi mới cho sản phẩm/dịch vụ của bạn.
- Có cách nào khác để sử dụng sản phẩm không?
- Nhóm khách hàng nào sẽ quan tâm đến sản phẩm này?
- Liệu trẻ em hay người cao tuổi có sử dụng được không?
- Nó có ảnh hưởng gì đến các khách hàng mục tiêu ban đầu không?
- Sản phẩm có mang lại lợi ích nếu sử dụng trong lĩnh vực khác?
E – Eliminate (Loại bỏ)
Trong một số trường hợp, các bộ phận hoặc các khâu không cần thiết trong quy trình sẽ gia tăng thêm áp lực cho bạn trong việc đổi mới, sáng tạo. Đừng ngần ngại mà hãy loại bỏ chúng, tập trung vào chức năng cần thiết hay bộ phận thích hợp sẽ giúp sản phẩm của bạn được cải thiện tốt hơn.
Tham khảo các câu hỏi dưới đây để có quyết định “loại bỏ” dễ dàng:
- Điều gì có thể xảy ra nếu loại bỏ bộ phận này?
- Chức năng nào có thể loại bỏ mà không ảnh hưởng quy trình?
- Điều gì là cần thiết và không cần thiết?
- Đối tượng này có thể được đơn giản hóa không?
- Có thể cắt giảm chi phí không?
R – Rearrange, Reverse (Thay đổi trật tự/Lật ngược vấn đề)
Thay đổi trật tự sẽ mang lại kết quả như thế nào? Hãy thử! Và bạn sẽ thấy điều bất ngờ. Sự sáng tạo của chúng ta ít nhiều xuất phát từ việc thay đổi trật tự, cấu trúc của những điều đã biết để khám phá ra những điều chưa biết. Việc thay đổi trật tự này sẽ mang đến vô số tiềm năng đổi mới, tạo ra kết quả sáng tạo hơn.
Những khi muốn lật ngược vấn đề, hãy đặt câu hỏi:
- Sẽ như thế nào nếu quy trình được đảo ngược?
- Có thể trao đổi các bộ phận không?
- Có thể thay đổi tốc độ và lịch trình không?
- Có thể sắp xếp lại thứ tự vận hành không?
- Sẽ như thế nào nếu thay đổi hướng tác động? Bên trong thay vì bên ngoài? Bên dưới thay vì bên trên?
- …
3. Ví dụ chi tiết cách áp dụng mô hình SCAMPER trong việc lên ý tưởng sản phẩm
Để có cái nhìn chi tiết, cụ thể hơn, mình sẽ phân tích một ví dụ mô hình SCAMPER. Hãy cùng xem McDonald’s áp dụng kỹ thuật này như thế nào nhé.
McDonald’s được biết đến là một tập đoàn chuyên kinh doanh về hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh. Đây là thương hiệu nổi tiếng với nhiều người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới.
Với hơn 50 năm phát triển, để đạt được vị thế mạnh trong ngành công nghiệp ăn uống, McDonald’s cũng đã từng gặp không ít khó khăn. Và Ray Kroc – người xây dựng và phát triển thương hiệu McDonald’s đã làm như thế nào để vượt qua? Dựa trên những gì mà McDonald’s đã và hiện tại vẫn đang làm, chúng ta dễ dàng nhận ra một số ý tưởng từ việc ứng dụng SCAMPER.
- Substitute: Thay thế
Các bộ phận trong dịch vụ hoặc sản xuất có thể được thay thế bằng bộ phận khác.
Năm 1998, Mcdonald’s đã cải tiến và đại tu hệ thống chuẩn bị thức ăn ở mọi nhà hàng tại Hoa Kỳ. Hệ thống điều hành vừa đúng lúc – JIT được áp dụng tại Mcdonald’s với tên gọi “Made for you” nhằm cung cấp thức ăn vừa tươi ngon, vừa nóng giòn cho khách hàng.
- Combine: Kết hợp
Kết hợp hai hoặc nhiều ý tưởng, giai đoạn để tạo ra một sản phẩm tốt hơn.
Mcdonald’s kết hợp McDrive và McCafe tạo thành một chuỗi các quán cà phê được đồng bộ với các nhà hàng Mcdonald’s.
- Adapt: Thích nghi
Tinh chỉnh một sản phẩm hoặc dịch vụ để đạt kết quả tốt hơn.
Mcdonald’s triển khai hệ thống đặt hàng tự động tại quầy để cải thiện việc giao hàng. Và việc đặt bữa ăn trong nhà hàng trở nên thoải mái, linh hoạt hơn cho khách hàng.
- Modify: Điều chỉnh
Điều chỉnh, thay đổi để tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Thực đơn của Mcdonald’s được điều chỉnh và sửa đổi để phù hợp với từng nhóm khách hàng dựa trên các khu vực địa lý khác nhau.
- Put to other uses: Sử dụng cho mục đích khác
Sử dụng sản phẩm hiện tại vào một mục đích khác hoặc tối ưu sản phẩm để giải quyết vấn đề.
Năm 1974, Mcdonald’s thành lập “Ronald Mcdonald House”, là một tổ chức từ thiện. Linh vật Ronald Mcdonald được sử dụng làm hình ảnh đại diện của tổ chức từ thiện này.
- Eliminate: Loại bỏ
Xác định các bộ phận có thể loại bỏ để cải thiện sản phẩm.
Năm 2008, Mcdonald’s loại bỏ việc sử dụng dầu ăn có chứa chất béo chuyển hóa cho món khoai tây chiên sang dầu ăn không chứa chất béo chuyển hóa. Điều này đã góp phần giúp cho thực đơn của họ trở nên lành mạnh và tốt cho sức khỏe người dùng hơn.
- Reverse: Lật ngược vấn đề
Khám phá tiềm năng đổi mới khi thay đổi thứ tự trong dây chuyền sản xuất.
Một thay đổi điển hình ở đây chính là việc Yêu cầu khách hàng trả tiền trước khi họ thưởng thức các món ăn đã mua.
4. Lưu ý khi thực hành mô hình SCAMPER
Phương pháp SCAMPER giúp bạn tạo ra ý tưởng cho sản phẩm và dịch vụ mới bằng cách khuyến khích bạn đặt 7 loại câu hỏi tương ứng với 7 góc nhìn khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ và hiểu sâu nhiều khía cạnh của sản phẩm, dịch vụ để có thể đổi mới và cải thiện tốt hơn.
Để ứng dụng SCAMPER vào sản phẩm, bạn có thể triển khai theo các bước sau:
- Chọn đối tượng cần đổi mới và suy nghĩ xem bạn cần làm những gì với nó.
- Hãy sử dụng phương pháp tư duy SCAMPER với 7 yếu tố để làm rõ tính năng của đối tượng.
- Mỗi một yếu tố SCAMPER sẽ giúp bạn có được câu hỏi – câu trả lời tối ưu. Từ đó, bạn có thể đưa ra những giải pháp phù hợp cho đối tượng đang hướng đến.
- Sau khi hoàn thành một tính năng bất kì, bạn có thể lặp lại quy trình trên cho cùng một sản phẩm để có thêm nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo.
Vậy là Triangle Head đã chia sẻ đến bạn các thông tin về SCAMPER một cách đầy đủ nhất, từ tổng quan khái niệm đến chi tiết cách áp dụng, những lưu ý khi sử dụng mô hình này. Hy vọng với những thông tin mà mình cung cấp sẽ giúp giải quyết tốt các vấn đề gặp phải của cá nhân hoặc trong dịch vụ/sản phẩm của mình. Từ đó, hỗ trợ bạn cải thiện quy trình phát triển sản phẩm mới trên thị trường nhằm thu hút khách hàng tiềm năng.