Quy trình phát triển sản phẩm mới: Điểm qua 8 bước cơ bản xây dựng một quy trình
Việc phát triển sản phẩm mới được các doanh nghiệp áp dụng ngày càng phổ biến. Đây là hoạt động giúp bạn có thể đứng vững trước sự biến đổi của thị trường và thu hút ngày càng nhiều tệp khách hàng tiềm năng. Và để hoạt động này thật sự hiệu quả, bạn cần […]
Việc phát triển sản phẩm mới được các doanh nghiệp áp dụng ngày càng phổ biến. Đây là hoạt động giúp bạn có thể đứng vững trước sự biến đổi của thị trường và thu hút ngày càng nhiều tệp khách hàng tiềm năng. Và để hoạt động này thật sự hiệu quả, bạn cần một quy trình tối ưu. Điều này chính là nguyên nhân cho sự ra đời của quy trình phát triển sản phẩm mới.
Quy trình này thường cần sự phối hợp ăn ý giữa các bộ phận như: R&D (Research & Development), Design, Sales, Branding nói riêng và Marketing nói chung.
Vậy quy trình phát triển sản phẩm mới gồm có bao nhiêu bước? Các rủi ro bạn cần tránh khi triển khai là gì? Điểm khác biệt của quy trình phát triển sản phẩm giữa một công ty startup và doanh nghiệp như thế nào? Và đâu là phương pháp hữu hiệu để các Junior có thể tăng kỹ năng phát triển sản phẩm của mình?
Tất cả sẽ được mình là Triangle Head thông tin đến bạn trong nội dung bài viết sau đây. Hãy cùng mình theo dõi bạn nhé!
1. Tại sao cần xây dựng quy trình phát triển sản phẩm mới?
Tại sao cần phát triển sản phẩm mới? Sau đây, mình sẽ chia sẻ đến bạn một số nguyên nhân cốt lõi mà hầu hết doanh nghiệp nào cũng gặp phải.
Nhu cầu người dùng thay đổi
Để có thể giúp công việc kinh doanh của bạn phát triển, bạn cần hiểu được người dùng họ đang cần và mong muốn những điều gì. Từ đó, bạn sẽ tạo sản phẩm của mình để tương thích, phù hợp với nhu cầu của người dùng. Nếu bạn không làm tốt điều này thì bạn đã nhường cơ hội bán hàng cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp với bạn.
Mình ví dụ cho bạn dễ hiểu như thương hiệu Coca đã kịp thời nhận ra rằng người dùng rất quan tâm đến một lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Thế là thương hiệu này đã cho ra đời một sản phẩm mới, tối ưu được nhu cầu đó. Sản phẩm mang tên Coca-Cola Zero, giúp người dùng có thể thỏa thích uống mà không gây hại đến sức khỏe bởi trong sản phẩm này không chứa đường.
Đối thủ cạnh tranh xuất hiện nhiều
Mỗi ngành hàng đều có đối thủ cạnh tranh nhất định. Nhất là lĩnh vực công nghệ, chú trọng những tính năng tiện ích cho người dùng. Vì thế, bạn cần tạo những sản phẩm vượt trội hơn so với đối thủ để có thể đứng vững trên thị trường và mang lại nguồn doanh thu cho doanh nghiệp của bạn.
Sản phẩm đang ở Maturity Stage
Giai đoạn Maturity (Trưởng thành) là thời điểm mà bạn có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Và lúc này bạn cần điều chỉnh một số tính năng, công dụng và cũng có thể thiết kế sản phẩm lại để có thể thu hút người dùng, kích thích doanh số tăng.
Bạn có thể thấy ở thương hiệu Nintendo, một công ty kinh doanh về hàng tiêu dùng điện tử, trò chơi điện tử đã ở Nhật Bản có bước đột phá khí thay thế bảng điều khiển DSi bằng 3DS. Bảng điều khiển mới này đã giúp sản phẩm có thêm tính năng tiện dụng như cảm biến chuyển động, có camera phụ để quay,… Từ đó, nó cũng hỗ trợ cho Nintendo đứng vững trên thị trường và có nhiều doanh thu hơn.
Để tìm hiểu kỹ hơn Maturity Stage là gì bạn có thể tham khảo tại bài viết vòng đời sản phẩm nhé!
2. Tóm tắt quy trình phát triển sản phẩm mới qua 8 bước
Sau khi biết được tại sao cần xây dựng quy trình phát triển sản phẩm mới thì mình sẽ đi đến nội dung chính của bài viết này. Đó là mình sẽ hướng dẫn bạn quy trình phát triển một sản phẩm mới chỉ vỏn vẹn trong 8 bước.
Bước 1: Phác thảo ý tưởng sản phẩm mới
Bước đầu tiên trong các bước phát triển sản phẩm mới là phác thảo ý tưởng. Bạn có thể lên hàng trăm, hàng nghìn ý tưởng khác nhau cho sản phẩm mới của mình. Tuy nhiên, trong số những ý tưởng đó, bạn nên chọn ra một vài ý tưởng vượt trội, có khả năng thực thi và mang lại hiệu quả tốt nhất.
Bạn cũng có thể ứng dụng phương pháp SCAMPER để tạo được một ý tưởng sản phẩm tuyệt vời, cụ thể:
- Substitute (Thay thế): Mình có thể thay thế bước nào trong quy trình sản xuất này không? Hoặc mình có thể thay thế nguyên liệu của sản phẩm phẩm này bằng một nguyên liệu khác tốt hơn không? Ví dụ như thời gian xảy ra Covid 19 bị khan hiếm khẩu trang y tế, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất khẩu trang bằng vải kháng khuẩn.
- Combine (Kết hợp): Có những sản phẩm nào có thể kết hợp với nhau để tạo nên một sản phẩm đột phá hơn không? Ví dụ như việc kết hợp giữa chiếc nón thông thường và tấm che giọt bắn giúp bạn phòng chống dịch bệnh Covid 19 một cách tốt nhất.
- Adapt (Thích nghi): được hiểu là sự vay mượn tính năng/công dụng của một sản phẩm này để sử dụng cho một trường hợp khác. Mình ví dụ như cây ATM gạo được hình thành từ ý tưởng cây ATM dùng để rút tiền của các ngân hàng.
- Modify (Điều chỉnh): Màu sắc, hình dáng, kích thước của sản phẩm này nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp hơn? Tính năng của sản phẩm nên cải thiện như thế nào để đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dùng. Ví dụ như chiếc đồng hồ bình thường chỉ có tính năng xem giờ được cải thiện thành đồng hồ thông minh có khả năng kết nối bluetooth với điện thoại, chụp ảnh, dự báo thời tiết,…
- Put (Sử dụng vào mục đích khác): tức là sản phẩm này của bạn có thể dùng vào một mục đích khác so với tính năng ban đầu của nó. Mình ví dụ như Coca hay soda ngoài là thức uống được nhiều người yêu thích thì nó còn là một chất tẩy rửa rất hữu ích cho mỗi gia đình.
- Eliminate (Loại bỏ): cân nhắc loại bỏ những tính năng thừa, không hữu dụng đối với người dùng trên sản phẩm. Việc này sẽ khiến sản phẩm của bạn trông đơn giản hơn và giá thành sẽ rẻ hơn vì đã bỏ bớt tính năng. Từ đây mà bạn có thể thu hút tốt người dùng. Ví dụ như các hãng hàng không loại bỏ các suất ăn, thức uống để tung ra sản phẩm vé máy bay giá rẻ dành cho người dùng.
- Reverse (Đảo ngược): điều này có nghĩa là bạn có thể đảo ngược quy trình phục vụ sản phẩm của mình. Mình ví dụ như đặt hàng online, nhiều đơn vị đã đảo ngược quy trình thanh toán; thay vì nhận hàng mới thanh toán thì người dùng có thể trả trực tiếp qua thẻ ATM hoặc các loại ví trước khi nhận hàng.
Bước 2: Đánh giá, sàng lọc ý tưởng
Bước 2 trong quá trình phát triển sản phẩm mới là bạn sẽ tiến hành đánh giá và sàng lọc ý tưởng sau khi phác thảo. Việc đánh giá, sàng lọc sẽ giúp bạn có được ý tưởng tốt nhất trong tất cả các ý tưởng đề ra. Bởi nếu bạn triển khai tất cả các ý tưởng vạch ra thì bạn đang giết chết cơ hội thành công của mình.
Và lọc bớt ý tưởng cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu ngân sách triển khai. Mình chia sẻ đến bạn một số bí quyết lọc ý tưởng hiệu quả như:
- Tạo form và gửi khảo sát cho người dùng để nhận được thông tin chân thực nhất
- Nghiên cứu nhu cầu trực tuyến của người dùng bằng Google Trend
- Chia sẻ ý tưởng của bạn cho bạn bè, người thân để họ cho bạn ý kiến khách quan nhất
- Đăng trên các diễn đàn xã hội như Reddit để nhận phản hồi
- …
Bước 3: Tạo và thử nghiệm concept
Ý tưởng của bạn được chi tiết, cụ thể hóa nhờ vào concept. Đây là một trong các bước phát triển sản phẩm mới quan trọng. Ở bước này, bạn sẽ bắt đầu tạo, thử nghiệm concept. Một số thông tin bạn có thể tham khảo để triển khai tốt bước này như sau:
Tạo, phát triển concept
Mình lấy một ví dụ cho bạn dễ hình dung là giả sử một hãng ô tô qua quá trình sàng lọc đã chọn ý tưởng phát triển ô tô chạy hoàn toàn bằng điện. Và lúc này, một nhà tiếp thị cần làm nhiệm vụ quan trọng là khái quát ý tưởng sản phẩm thành những khái niệm thay thế.
Đối với trường hợp chiếc ô tô chạy bằng điện, bạn có thể tạo các khái niệm thành một số concept như:
- Concept 1: một chiếc ô tô cỡ trung, giá cả phải chăng, làm phương tiện đi mua sắm, thăm bạn bè ở thị trấn
- Concept 2: một chiếc ô tô thể thao nhỏ gọn, giá thành tầm trung, thu hút các cặp vợ chồng trẻ hoặc những người độc thân
- Concept 3: một chiếc ô tô với đầy đủ các tiện ích, có giá cao cấp, phù hợp với những người yêu thích không gian mà thương hiệu đó cung cấp
Thử nghiệm concept
Các concept cần đưa vào thử nghiệm với từng nhóm đối tượng người tiêu dùng để xác định được tính hiệu quả của nó. Bạn có thể thực hiện thử nghiệm thông qua phỏng vấn hoặc khảo sát định lượng để thu thập được những thông tin cần thiết nhất cho tiến trình phát triển sản phẩm mới của mình.
Bước 4: Xây dựng kế hoạch Product Branding
Việc xây dựng một kế Product Branding cụ thể để có thể giới thiệu sản phẩm đến tay người dùng là một trong những khâu quan trọng trong quy trình phát triển sản phẩm mới. Bởi có kế hoạch bạn mới biết được mình sẽ làm gì tiếp theo, nếu không sẽ dễ xảy ra vấn đề trong quá trình triển khai.
Mình gợi ý cho bạn cách xây dựng kế hoạch Product Branding từng bước như sau:
- Đầu tiên, bạn nên vẽ tay sản phẩm của mình cùng các chú thích rõ ràng về các bộ phận, tính năng. Việc này sẽ hỗ trợ bạn sẽ tạo giá trị gì cho người dùng khi tung sản phẩm này ra thị trường. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định thị trường mục tiêu, doanh số bạn muốn đạt được và lợi nhuận theo từng giai đoạn như thế nào.
- Thứ hai, bạn cần hoạch định giá thành dự kiến cho sản phẩm, ngân sách bạn đầu tư để tiếp thị, phân phối sản phẩm trong giai đoạn đầu.
- Cuối cùng, một kế hoạch bán hàng dài hạn nên được vẽ ra một cách rõ ràng, nhất là về chiến lược marketing mix (hỗn hợp tiếp thị) và mục tiêu lợi nhuận thu về.
Bước 5: Phân tích tài chính dự án
Sau khi đã hình thành được khái niệm sản phẩm cũng như kế hoạch marketing chi tiết thì việc tiếp theo bạn cần quan tâm là sức hấp dẫn của nó đối với người dùng. Đặc biệt là sản phẩm này có mang lại lợi nhuận cao và phù hợp với tài chính của doanh nghiệp bạn hay không.
Các chỉ số bạn nên lưu ý ở bước này là chi phí bỏ ra (R&D, marketing,…), dự báo doanh số cùng lợi nhuận thu về. Đây là 3 yếu tố bạn có thể phân tích để có quyết định sáng suốt nhất.
Ngoài ra, đối với dự báo doanh số, bạn có thể xem lại lịch sử bán hàng của những sản phẩm tương tự trước đó hoặc khảo sát thị trường. Cách làm này sẽ hỗ trợ bạn trong việc phân tích doanh số tối đa và tối thiểu để biết được độ rủi ro của nó.
Sức hấp dẫn của sản phẩm mới là điều kiện quan trọng để sản phẩm đó có đi đến bước tiếp theo được hay không.
Bước 6: Triển khai quy trình phát triển sản phẩm mới
Đây là giai đoạn rất quan trọng, quyết định sự thành bại của sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Sau khi bạn đã phân tích tài chính và có đủ nguồn lực triển khai, bước này bạn sẽ bắt đầu tạo mẫu với nhiều phiên bản vật lý dựa trên khái niệm của sản phẩm đã lập ra trước đó.
Với nhiều mẫu khác nhau, bạn cần loại bỏ những mẫu chưa đạt yêu cầu, cải thiện dần để tạo được mẫu cuối cùng khiến bạn hài lòng nhất. Tùy vào sản phẩm bạn đang phát triển mà thời gian nghiên cứu có thể là một hai tuần, một hai tháng hoặc trong nhiều năm liền.
Mẫu sản phẩm của bạn trong quá trình phát triển cũng cần thường xuyên kiểm tra đi, kiểm tra lại để đảm bảo được yếu tố an toàn, hiệu quả. Và nếu tốt hơn thì bạn nên để người dùng đánh giá nguyên mẫu sản phẩm của mình để có được những thông tin giúp bạn cải thiện sản phẩm tốt hơn.
Bước 7: Thử nghiệm trong phạm vi cố định
Bạn đang băn khoăn, không chắc chắn về độ hiệu quả của sản phẩm cũng như kế hoạch tiếp thị của mình. Ngay lúc này, bạn có thể sử dụng phương án thử nghiệm trên thị trường giả lập.
Điều này sẽ giúp bạn có cơ hội thử nghiệm các yếu tố có liên quan trước khi quyết định đầu tư sản phẩm một cách đầy đủ. Một số yếu tố có thể nhìn thấy như đóng gói, phân phối, quảng cáo,…
Bước 8: Đưa sản phẩm ra thị trường
Bước cuối cùng trong quá trình phát triển sản phẩm mới sẽ là thương mại hóa sản phẩm, tức là tung ra thị trường để tiếp cận người dùng. Một số phương pháp tiếp cận người dùng được đánh giá hiệu quả có thể nhắc đến như quảng cáo, nỗ lực tiếp thị, xúc tiến bán hàng,…
Trước khi bạn tung sản phẩm ra thị trường, bạn cần xác định 2 yếu tố quan trọng:
- Thời gian: bạn cần chọn thời điểm thích hợp nhất để quảng bá sản phẩm ra thị trường. Nếu bạn thấy đối thủ của mình đã hoàn tất các bước chuẩn bị để tung sản phẩm thì bạn nên thúc đẩy việc tung sản phẩm của mình sớm hơn. Còn nếu nền kinh tế đang bị suy thoái, có khả năng bạn sẽ không thu được lợi nhuận thì bạn nên tạm hoãn trong nửa năm hay một năm để tình hình ổn định thì hãy tung sản phẩm ra thị trường.
- Địa điểm: tùy vào nguồn lực cùng tài chính hiện tại mà bạn chọn thị trường phù hợp nhất. Có thể là thị trường trong nước tại một khu vực nhất định, sau khi có đủ chi phí thì mở rộng trên khắp cả nước, thậm chí là toàn quốc.
Thế là mình đã điểm qua các bước trong quy trình phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, khi tiến hành phát triển chúng, bạn sẽ gặp không ít rủi ro. Vậy những rủi ro đó là gì? Hãy cùng mình theo dõi ngay bạn nhé.
3. Những rủi ro cần tránh khi tạo quy trình phát triển sản phẩm mới
Thị trường
Nếu sản phẩm của bạn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng thì rất có khả năng chúng sẽ nhanh chóng bị lạc hậu, đào thải khỏi thị trường.
Hoặc sản phẩm mới của bạn bị đối thủ sao chép và cải thiện tốt hơn để cạnh tranh cùng một thị trường với bạn. Điều này cũng sẽ khiến doanh nghiệp của bạn giảm doanh thu, lợi nhuận cho sản phẩm mới.
Nội bộ doanh nghiệp
Nguồn lực, nhân sự của doanh nghiệp chưa đủ nên sẽ dễ dàng xảy ra mâu thuẫn giữa việc có nên phát triển sản phẩm mới hay không. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm mới đồng nghĩa với việc bạn cần thay đổi chuỗi cung ứng để đáp ứng tốt cho khâu sản xuất. Và vấn đề này sẽ khiến bạn tốn thêm ngân sách trong quá trình triển khai.
Giới hạn công nghệ
Xu hướng công nghệ là điều bạn chưa thể dự đoán được và cũng không xác định được công nghệ hiện tại bạn đang sử dụng khi nào lỗi thời. Và bạn cũng không có đủ tiềm lực về mặt công nghệ để phát triển sản phẩm mới của bạn tốt hơn.
Lúc này, bạn có thể thuê ngoài các chuyên gia am hiểu công nghệ để hỗ trợ hoàn thành sản phẩm của mình. Một lưu ý khi triển khai về công nghệ là bạn đừng tạo một công nghệ quá phức tạp bởi nó sẽ gây khó khăn cho người dùng khi sử dụng.
4. Cách luyện tập kỹ năng xây dựng quy trình phát triển sản phẩm mới cho Junior
Để có thể nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới một cách tốt nhất, các Junior cần nắm vững và hiểu được 8 bước cơ bản trong quy trình phát triển sản phẩm mới mà mình đã nêu ở trên. Có như thế, Junior mới thực thi mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các Junior cần hiểu rõ mô hình kinh doanh, mục tiêu của doanh nghiệp, nhu cầu của người dùng,… để có thể có được ý tưởng sản phẩm phù hợp nhất.
Ngoài ra, kỹ năng ra quyết định, lập kế hoạch cũng cần thiết cho một Junior mới bắt đầu tập tành xây dựng quy trình phát triển sản phẩm mới.
Trên đây là tất cả thông tin về quy trình phát triển sản phẩm mới mà Triangle Head chia sẻ đến bạn. Nếu bạn muốn sản phẩm mới của mình có thể đứng vững trên thị trường thì việc định vị sản phẩm là điều rất quan trọng. Định vị sản phẩm sẽ giúp thương hiệu, sản phẩm của bạn trở nên khác biệt trong mắt người dùng.
Hy vọng với những kiến thức trên bạn sẽ thực thi thành công quy trình phát triển sản phẩm mới cho doanh nghiệp của mình! Hẹn gặp lại bạn trong những nội dung bài viết sau của Future Brand Việt Nam!
Tài liệu tham khảo cho bài viết này:
https://www.nibusinessinfo.co.uk/content/new-product-development-process
https://marketing-insider.eu/new-product-development-process/
https://www.ideareality.design/2015/08/08/new-product-development-in-7-simple-steps/